Top 7 Cây cảnh độc hại được trồng phổ biến nhất hiện nay
Đỗ quyên
Đỗ quyên còn gọi là đỗ quyên đỏ, có tên khoa học là Rhododendron simsii Planch. Hoa đỗ quyên xếp thành tán từ 2 đến 6 đóa ở cành ngọn, màu sắc sặc sỡ. Đỗ quyên khi sử dụng đúng bài thuốc giúp giảm đau, tác dụng đối với hệ tim mạch, làm giảm nhịp tim, hạ huyết áp.
Tuy nhiên, trong cây có chứa chất độc andromedotoxin và arbutin glucoside. Theo các nghiên cứu, một lượng từ 100 – 225 g lá đỗ quyên đủ để gây ngộ độc nặng cho trẻ em 25 kg.
Cây trúc đào
Cây trúc đào có tên khoa học là Nerium oleander thuộc chi Nerium. Cây có đặc tính chịu khô hạn tốt, dễ chăm mà vẫn phát triển tốt và hoa có màu sắc đẹp, tỏa hương thơm nên được trồng rộng rãi như một loại cây cảnh trong công viên, dọc trên đường phố.
Tuy nhiên, toàn bộ cây này đều có chất độc cao và tập trung nhiều nhất ở nhựa cây, gây ảnh hưởng đến đường ruột và tim mạch khi ăn phải, thậm chí có thể gây tử vong nếu ăn phải 10-20 lá ở người lớn hay chỉ 1 lá ở trẻ em. Các triệu chứng khi ăn phải bao gồm buồn nôn, tiêu chảy (có thể lẫn máu), đau bụng, tay chân run rẩy, hôn mê,… Nhựa cây trúc đào gây rát, bỏng da, viêm dị ứng, nếu dính vào mắt gây rát nghiêm trọng.
Vạn niên thanh
Vạn niên thanh có tên khoa học là Rohdea japonica Rosh, có lá đẹp, màu sắc trang nhã, thích nghi và sinh trưởng tốt trong điều kiện khắc nghiệt, dễ chăm sóc và có giá rẻ nên được ưa chuộng trồng trong nhà tạo màu xanh mát dễ chịu. Nếu nhai phải lá cây sẽ xuất hiện các triệu chứng ngứa, đau rát, nôn mửa, sùi bọt mép do tinh thể calcium oxalate trong tế bào cây. Có một số trường hợp viêm da nhẹ khi tiếp xúc với lá cây.
Hồng môn
Hồng môn hay còn gọi là môn hồng, vĩ hoa tròn, buồm đỏ có tên khoa học là Anthurium andraeanum. Cây sinh trưởng nhanh và ưa khí hậu ẩm mát, lá cây có tác dụng lọc khí độc như toluene, amoniac,…
Toàn thân cây chứa chất độc saponin và các tinh thể oxalat canxi, gây phát ban, rộp mụn nước nếu xát lên da và gây bỏng rát miệng nếu nhai phải lá hồng môn.
Trầu bà
Trầu bà là cây thân leo, có lá hình tim, có thể sống cả trong môi trường nước và đất. Lá cây có tác dụng lọc không khí.
Mặt khác, trong thân và lá cây có chất calcium oxalate, nếu ăn phải sẽ gây buồn nôn, bỏng rát miệng, tiêu chảy.
Cây ngô đồng
Cây ngô đồng hay còn được gọi là ngô đồng cảnh, sen lục bình tên khoa học là Jatropha podagrica. Cây có dáng đẹp, hoa nở lâu, sinh trưởng nhanh nên được trồng nhiều trước sân nhà làm cảnh.
Vỏ cây, lá cây được dùng đúng sẽ có tác dụng chữa bệnh, chống viêm nhiễm. Tuy nhiên, trong cây ngô đồng cũng có chứa chất độc curcin, đặc biệt là ở quả và củ gây chóng mặt, buồn nôn khi ăn phải.
Cẩm tú cầu
Cẩm tú cầu là loài cây thân mộc, hoa vô tính. Hoa thường có màu trắng, lam hay hồng nhạt biến đổi tùy theo độ pH trong đất. Cây ưa bóng râm nên phát triển tốt trong bóng mát.
Trong toàn bộ cây đều có chứa độc tố, đặc biệt nếu ăn phải hoa hay lá cẩm tú cầu sẽ gây nôn mửa, ngứa ngáy, đổ mồ hôi, đau bụng dữ dội, trường hợp nghiêm trọng sẽ dẫn tới hôn mê, co giật.